Các giao dịch chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại
Số lần xem: 9,837 Ngày đăng: 04/03/2019 23:17:41
Việc xác định PL áp dụng là hoạt động vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. Bởi lẽ, áp dụng các luật khác nhau có thể sẽ cho nhưng kết quả hoàn toàn khác nhau. Do đó, cần phải xác định đúng nguồn luật áp dụng cho đúng với bản chất của các giao dịch.Có hai trường hợp áp dụng Luật Thương mại (LTM) là: (1) LTM đương nhiên được áp dụng; (2) LTM được áp dụng khi có sự thỏa thuận.
1. Luật Thương mại đương nhiên được áp dụng
- Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.[1]
Theo đó, một giao dịch được xem là hoạt động thương mại sẽ đương nhiên chịu sự điều chỉnh của LTM nếu nó được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam (VN) và đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
+ Thứ nhất, về chủ thể tham gia giao dịch. Các chủ thể tham gia giao dịch đều phải là thương nhân. Theo quy định tại Điều 6 LTM thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
+ Thứ hai, mục đích của giao dịch là mục đích sinh lợi. Cần lưu ý sinh lợi ở đây khác với sinh lời hoặc mục đích lợi nhuận, sinh lợi có thể có hoặc không có lợi nhuận. Bởi lẽ, trong nền kinh tế VN không phải tất cả các loại thương nhân đều đặt ra mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận hay còn gọi là kiếm lời, mà còn có các thương nhân được thành lập nhằm mục đích sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh (còn gọi là sản phẩm, dịch vụ công ích). Các thương nhân loại này không tìm kiếm lợi nhuận, nhưng hoạt động của chúng là nhằm mục đích sinh lợi.
Thêm một lưu ý nữa là các giao dịch này không chỉ hạn chế ở các hoạt động mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh mà còn bao gồm cả các hoạt động khác nhằm mục đích phục vụ, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thương mại như việc mua nguyên vật liệu về để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thuê xe ô tô để đưa công nhân đi làm, đi nghỉ hàng năm theo chế độ hoặc mua một số phương tiện cho công nhân giải trí sau giờ làm việc. Tuy nhiên, không phải mọi giao dịch của thương nhân đều là giao dịch thương mại, mà chỉ những giao dịch gắn liền với mục đích tồn tại của thương nhân đó mà thôi. Theo đó, giao dịch mua sắm hàng hóa hay sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của thương nhân cũng không phải là giao dịch thương mại, mà lúc này thương nhân đó lại đóng vai trò là người tiêu dùng, trừ phi giao dịch đó nhằm phục vụ, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thương mại như đã đề cập ở trên.
2. Áp dụng LTM theo sự lựa chọn
Có 2 trường hợp áp dụng LTM theo sự lựa chọn.
- Hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài;[2]
- Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi giữa một bên là thương nhân và một bên không phải là thương nhân. Bên không phải là thương nhân lựa chọn áp dụng Luật Thương mại.[3]
Như vậy, đối với giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài và giao dịch có một bên không phải là thương nhân thì LTM không đương nhiên được áp dụng mà nó chỉ được áp dụng khi có sự thỏa thuận hoặc lựa chọn áp dụng.
Trên đây là các trường hợp mà Luật Thương mại được áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. Nếu còn bất kì thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Apolo Lawyers để được hỗ trợ tốt nhất.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Thương mại 2005
Khoa Nguyễn
Bài viết liên quan
- Cách tính tiền lãi chậm trả (09/09/2020 16:30:26)
- Các trường hợp hủy phán quyết trọng tài (09/03/2019 19:26:25)
- Luật sư tư vấn pháp luật về tranh chấp hợp đồng thương mại (23/12/2014 14:28:36)