Đăng ký email

Tư vấn miễn phí

Online 1
Online 2

Thống kê

quangvu.net Online: 11

quangvu.net Today: 742

quangvu.net Yesterday: 777

quangvu.net Total: 694,456

Quảng cáo

Luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, luật sư dân sự, luật sư hôn nhân gia đìnhhttp://luatsupro.com

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Số lần xem: 8,786 Ngày đăng: 29/06/2015 10:54:26

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là việc cơ quan có thẩm quyền tạm giữ người trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản; Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người không có quyết định bằng văn bản.

* Thời hạn tạm giữ: không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.

Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

Trường hợp người bị tạm giữ là người nước ngoài thì người ra quyết định tạm giữ phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp trên biết để thông báo cho Bộ Ngoại giao (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra thông báo cho Cục Lãnh sự, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại thông báo cho Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân biết; đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp cho đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước đó thăm gặp lãnh sự nếu có yêu cầu và phối hợp xử lý các vấn đề đối ngoại khác có liên quan.

* Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính: là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung.

Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

* Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường;

- Trưởng Công an cấp huyện;

- Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

- Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu;

- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động;

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan;

- Đội trưởng Đội quản lý thị trường;

- Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;

- Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển;

- Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga;

- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

*  Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ 

- Người bị tạm giữ có quyền: 

+ Được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; 

+ Yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ; 

+ Được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ; 

+ Được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống; 

+ Được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh. 

- Người bị tạm giữ có nghĩa vụ: 

+ Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm giữ, nội quy, quy định của nơi tạm giữ; 

+ Tuân thủ yêu cầu, mệnh lệnh của người ra quyết định tạm giữ và người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nơi tạm giữ; 

+ Khai báo thành khẩn những hành vi vi phạm pháp luật của mình và của những người khác có liên quan; 

+ Không được đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, điện thoại di động, văn hóa phẩm độc hại, rượu bia và các chất gây nghiện khác hoặc các vật dụng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ.

* Căn cứ pháp lý:

- Luật xử phạt vi phạm hành chính ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012;

- K5 Đ20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và K1 Đ12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009;

- Nghị định 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013;

- Điều 102 Luật hải quan ngày 23 tháng 06 năm 2014