Công ty có phải bồi thường trợ cấp thất nghiệp khi không trả sổ BHXH đúng hạn
Số lần xem: 18,756 Ngày đăng: 16/12/2018 02:23:46
Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp ra đời với mong muốn góp phần ổn định đời sống cho người lao động (NLĐ), không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một phần chi phí giúp NLĐ vượt qua thời gian thất nghiệp mà còn tạo điều kiện cho họ được tham gia các khóa học nghề và được hỗ trợ tìm việc làm mới phù hợp.Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trước đây, khi chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ), Người lao động (NLĐ) sẽ được Người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả trợ cấp thôi việc. Kể từ ngày 01/01/2009 trở đi, NLĐ có tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội thay vì trợ cấp thôi việc. Theo quy định tại Điều 57 Luật Việc làm 2013 thì nguồn bảo hiểm thất nghiệp từ NLĐ đóng 1% tiền lương tháng, NSDLĐ đóng 1% quỹ tiền lương tháng của NLĐ và Nhà nước hỗ trợ 1%.
Khi đáp ứng đủ bốn điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu)
- Xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ
- Sổ bảo hiểm xã hội
Như vậy, một trong các giấy tờ cần thiết để hoàn tất hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp là sổ bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Bộ Luật lao động 2012, trong thời hạn 30 ngày NSDLĐ phải thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Tuy nhiên, một thực tế vẫn thường xuyên xảy ra là NSDLĐ không chịu trả sổ bảo hiểm cho NLĐ hoặc không trả sổ bảo hiểm đúng hạn cho NLĐ. Việc này dẫn đến NLĐ không thể nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng thời hạn (trong vòng 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ) theo quy định.
Hiện nay, BLLĐ chỉ có quy định về việc khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải trả sổ bảo hiểm cho NLĐ. Do đó, hoàn toàn cơ sở để buộc NSDLĐ phải trả lại sổ bảo hiểm cho NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là NSDLĐ không phải không chịu trả sổ bảo hiểm mà là không trả sổ bảo hiểm đúng hạn dẫn đến NLĐ không thể hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, câu hỏi đặt ra là NSDLĐ có phải bồi thường tiền trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ hay không khi mà nguyên nhân chính khiến NLĐ không được hưởng tiền trợ cấp là do lỗi của NSDLĐ.
Pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định cụ thể nào cho biết có hay không việc NSDLĐ có phải bồi thường tiền trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ khi mà NSDLĐ không trả sổ bảo hiểm hoặc trả sổ bảo hiểm không đúng hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thực tiễn, xét xử của Tòa án vẫn đôi lúc có sự tồn tại 2 hướng giải quyết khác nhau. Quan điểm thứ nhất, không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường tiền trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Lập luận của Tòa khi theo quan điểm này sử dụng quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 cho rằng khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quan điềm thứ hai, đồng ý với yêu cầu của NLĐ, NSDLĐ phải có nghĩa vụ bồi thường trợ cấp thất nghiệp mà đáng lẽ NLĐ được hưởng nếu không bị NSDLĐ không trả sổ bảo hiểm đúng thời hạn. Tuy nhiên, lập luận của Tòa khi đưa ra hướng giải quyết này chưa thật sự rõ ràng để có sức thuyết phục.
Người viết đồng tình với quan điểm thứ hai, có một số lập luận bổ sung để cung cố quan điểm này của Tòa như sau:
Thứ nhất, về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định:
“Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”
Như vậy, cơ sở để tính mức trợ cấp thất nghiệp được hưởng là tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Nếu căn cứ theo quy định này thì sẽ có sự chênh lệch mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu công việc sau có mức lương đóng trợ cấp thất nghiệp thấp hơn mức lương hiện tại mà NLĐ đáng lẽ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là một luận cứ để cho thấy rằng việc Tòa án nhận định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu để lần sau được hưởng là không phù hợp vì mức hưởng TCTN của mỗi lần sẽ là khác nhau, nó phụ thuộc vào tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Do đó, nếu công việc sau có mức lương thấp hơn mức lương của công việc mà NLĐ vừa chấm dứt HĐLĐ thì đây sẽ là một thiệt hại cho NLĐ.
Thứ hai, cũng là lý do quan trọng nhất chính là ý nghĩa của trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, TCTN ra đời với chức năng hỗ trợ “kịp thời” cho NLĐ trong thời gian bị thất nghiệp, giảm đi phần nào khó khăn cho NLĐ trong thời gian tìm kiếm công việc mới. Như vậy, trợ cấp thất nghiệp phải được chi trả cho NLĐ kịp thời để họ có thể trang trải cuộc sống trong thời gian bị mất việc. Do đó, lập luận của Tòa án theo quan điểm trợ cấp thất nghiệp chưa được hưởng sẽ được cộng dồn cho lần sau là không phù hợp với ý nghĩa của việc ra đời quy định về trợ cấp thất nghiệp. Giả sử trong thời gian thất nghiệp, NLĐ do lỗi không trả sổ bảo hiểm đúng hạn của NSDLĐ mà không được hưởng số tiền trợ cấp thất nghiệp nên họ phải đi vay ngân hàng để trang trải cuộc sống cho khoảng thời gian thất nghiệp thì số tiền lãi phát sinh đối với khoản tiền vay trong giai đoạn này cũng là một điều mà chúng ta cần phải xem xét tới. Hơn nữa, ngoài việc được hưởng số tiền trợ cấp thất nghiệp thì khi nộp hồ sơ đúng thời hạn NLĐ còn được hưởng chính sách hỗ trợ học việc, nâng cao tay nghề; được tư vấn, giới thiệu việc làm từ trung tâm dịch vụ việc làm.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật lao động 2012
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- Luật Việc làm 2013
Khoa Nguyễn
Bài viết liên quan
- Chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật có phải hoàn trả chi phí đào tạo (29/11/2018 11:02:29)
- Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh (NDA) (12/11/2018 22:46:04)
- Thủ tục đăng ký Nội quy lao động khi doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở (03/11/2018 10:27:10)
- Hậu quả của việc sa thải lao động trái pháp luật (16/05/2015 08:03:19)
- Luật sư tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp lao động (23/12/2014 10:47:35)